NGHE SƯ PHỤ NÓI_TẬP 50_TẤT CẢ PHẢI ĐƯỢC BẮT ĐẦU THỰC HIỆN TỪ BẢN THÂN CHÚNG TA

29 Views
Đại Nguyện Nguyện 18 trong 48 Đại Nguyện của Phật A Di Đà : Nếu con được thành Phật, mà chúng sanh trong mười phương dốc lòng tin tưởng, muốn sanh về cõi nước con chỉ trong mười niệm, nếu không được toại nguyện, thì con chẳng trụ ở Ngôi Chánh Giác, trừ kẻ phạm năm tội nghịch và gièm chê Chánh Pháp. Nam Mô Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật Lời Khuyên Tịnh Độ (Ấn Quang Đại Sư) “ Ấn Quang từ Tây qua Ðông, từ Bắc xuống Nam, qua lại hơn vạn dặm, gặp gỡ nhiều người. Trong số đó, lắm kẻ bình nhật tự vỗ ngực là bậc thông Tông, thông Giáo, coi Tịnh Ðộ như uế vật, chỉ sợ nó làm bẩn lây đến mình. Lúc lâm chung, đa số chân loạn tay cuống, kêu cha gào mẹ. Trong số ấy, có những người trì giới niệm Phật già giặn, chắc thật, dù Tín Nguyện chưa đến mức cùng cực, tướng lành chẳng hiện, nhưng đều an nhiên mạng chung. Vì sao như vậy? Là vì tâm thuỷ trong lặng, do phân biệt nên xao động, đục ngầu, sóng thức trào dâng. Do Phật hiệu nên tâm thuỷ ngưng lặng. Bởi thế, kẻ thượng trí chẳng bằng kẻ hạ ngu, biến quá khéo thành vụng về lớn vậy!”
Published
NGHE SƯ PHỤ NÓI
TẬP 50
TẤT CẢ PHẢI ĐƯỢC BẮT ĐẦU THỰC HIỆN TỪ BẢN THÂN CHÚNG TA
Khai thị cho người làm công quả ở Hiệp hội Giáo dục Phật Đà Hong Kong ngày 25/3/2018

Chúng ta nhìn một người, nhìn một gia đình, nhìn một ngành nghề, nhìn nếp sống của xã hội, nếu như mọi người đều có thể chung sống hòa thuận thì gọi là gia hòa vạn sự hưng, quốc gia này nhất định được hưng thịnh; nếu như bất hòa, nội bộ bất hòa thì ngoài mặt có tốt đi nữa, thì thời gian duy trì cũng không được lâu dài.
Đoàn kết trong tình yêu thương chân thành, đây là giáo dục tôn giáo. Giáo dục tôn giáo chia thành bốn khoa mục: Thứ nhất là luân lý, thứ hai là đạo đức, thứ ba là nhân quả, thứ tư là trí tuệ trong kinh điển. Vì vậy, tôn giáo là gì? Tôn giáo chính là yêu thương, tôn giáo chính là hòa bình. Hy vọng mỗi tôn giáo đều trở về giáo dục, việc này chúng ta phải mở lớp học. Chỉ biết tụng kinh thì không được, phải biết giảng kinh. Giảng kinh là giải môn, tụng kinh là hành môn. Trước tiên là hiểu rõ, sau đó mới thực hành; nếu như không hiểu thì quý vị đều tu mù luyện đui, đều là mê tín.
Vì vậy, trong gia đình mọi người có trẻ em thì phải nhớ rằng: Trẻ em trong nhà hai tuổi là phải dạy, bốn tuổi thì không còn kịp nữa. Do đó, tôi cũng đã nghĩ ra từ rất sớm, mở một hệ thống trường học liên cấp, tức là mở trường liên cấp từ mầm non, tiểu học, trung học đến đại học, một hệ thống liên cấp.
Tiểu học thì học sáu năm, học sách “Thánh Hiền Căn Chi Căn”, cắm sâu vào gốc rễ giáo dục. Trong các loại sách cổ, chúng tôi đã lựa chọn được 23 loại. Sáu năm tiểu học, chúng nhất định phải đọc hiểu, phải thuộc lòng thì chúng có thể tốt nghiệp. Hai tuổi, ba tuổi, bốn tuổi, năm tuổi, sáu tuổi, bảy tuổi; đến năm bảy tuổi thì chúng tốt nghiệp tiểu học và lên trung học; lên trung học từ bảy tuổi, tám tuổi, chín tuổi, mười tuổi, 11 tuổi, đến 12 tuổi. Sau đó, lên học sáu năm đại học, chỉ học một bộ “Quần Thư Trị Yếu”, Đường Thái Tông soạn sẵn rồi, chúng tôi không cần soạn lại, đồng thời sách này đã được thực nghiệm, các triều đại của Trung Hoa cũng có người học sách này. Không còn sách nữa thì có “Trinh Quán Trị Yếu”, đây là chính tích, là ghi chép chân thực về Đường Thái Tông, đã được ghi chép lại để cho người đời sau tham khảo, đều là sách hay.
Còn một việc lớn, bộ sách này chỉ có một nửa, một nửa đoạn đầu của văn hóa truyền thống Trung Hoa, sau đời nhà Đường thì không còn nữa. Sách chỉ truyền đến đời nhà Đường, sau đời nhà Đường thì không còn sách này nữa, vì vậy chúng ta có sứ mạng soạn phần Tục biên cho bộ sách này. Phân lượng của Tục biên cũng lớn như vậy, 50 quyển, gồm năm trăm ngàn chữ, sau đó gọp lại với nhau là một trăm quyển, một triệu chữ. Sách này là bảo điển để tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Đặc biệt là người làm quan chức nhất định phải đọc, đọc thật kỹ; người không làm quan chức, làm sự nghiệp kinh doanh cũng vậy, quý vị làm ông chủ của xí nghiệp, quý vị hiểu được bộ sách này thì quý vị biết làm thế nào để quản lý xí nghiệp, làm thế nào để phát triển xí nghiệp của quý vị, trong sách sẽ dạy quý vị. An định xã hội, sự giàu mạnh của quốc gia, hòa bình của thế giới, trong sách đều nói về những điều này. Vì vậy Trung Hoa có, đã sẵn có, đều đã được lịch sử giám định, không phải là nói viển vông, nó có thành tích thực tế, quý vị xem trong “Hai mươi lăm sử” thì quý vị sẽ thấy được.
Vì vậy, văn hóa truyền thống Trung Hoa có thể cứu cả thế giới. Tu thân đầu tiên là khỏe mạnh, không có sức khỏe tốt thì làm gì cũng không xong, vì vậy tu thân xếp ở hàng đầu. Có nhân tài hiểu biết luân lý, đạo đức, nhân quả thì gia đình mới chỉnh tề, xã hội mới được an định, quốc gia giàu mạnh, thiên hạ thái bình. Nếu như chúng ta không có lòng tin, vậy thì không còn hy vọng nữa, tiền đồ sẽ rất thảm thương. Cho nên vào thời điểm quan trọng, chúng ta gặp được cái duyên này không phải là ngẫu nhiên. Dùng tình yêu thương của tôn giáo, tôn giáo là yêu thương người vô điều kiện, đặt mình trong hoàn cảnh của người khác, mình thích người khác tôn trọng mình thì mình phải tôn trọng người khác, tất cả phải được bắt đầu thực hiện từ bản thân chúng ta, đừng đợi người khác làm cho chúng ta xem, mà chúng ta hãy làm tấm gương tốt cho người khác xem, đây chính là đệ tử của Phật Bồ Tát, việc này là phục hưng văn hóa truyền thống. Phật và văn hóa truyền thống Trung Hoa đã hòa hợp thành một thể, không thể tách ra.
Những điều đã nói đến đều là việc lớn nhất trong thời đại này của chúng ta, chúng ta rất vinh hạnh vì đã gặp được, chính là tín nguyện trì danh, cầu sanh Tịnh Độ. Vãng sanh đến Tịnh Độ rồi, xem như là quý vị đã tốt nghiệp hoàn toàn, quý vị được đại viên mãn, đến đó để làm Phật rồi. Điều kiện rất đơn giản, quan trọng nhất là không được có chút nghi hoặc nào, thật sự có thế giới Tây Phương Cực Lạc. Ở đâu vậy? Phật dạy chúng ta dụng công, tâm để ở đâu, đây là điều kiện đầu tiên, tâm phải để ở thế giới Cực Lạc, niệm niệm không quên thế giới Cực Lạc, niệm niệm cầu sanh thế giới Cực Lạc.
Category
Video Pháp thoại