Chúng ta nên nhớ rằng không buông được thì không thể thành tựu. Không cẩn thận liền đọa trong tam đồ

9 Views
Đại Nguyện Nguyện 18 trong 48 Đại Nguyện của Phật A Di Đà : Nếu con được thành Phật, mà chúng sanh trong mười phương dốc lòng tin tưởng, muốn sanh về cõi nước con chỉ trong mười niệm, nếu không được toại nguyện, thì con chẳng trụ ở Ngôi Chánh Giác, trừ kẻ phạm năm tội nghịch và gièm chê Chánh Pháp. Nam Mô Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật Lời Khuyên Tịnh Độ (Ấn Quang Đại Sư) “ Ấn Quang từ Tây qua Ðông, từ Bắc xuống Nam, qua lại hơn vạn dặm, gặp gỡ nhiều người. Trong số đó, lắm kẻ bình nhật tự vỗ ngực là bậc thông Tông, thông Giáo, coi Tịnh Ðộ như uế vật, chỉ sợ nó làm bẩn lây đến mình. Lúc lâm chung, đa số chân loạn tay cuống, kêu cha gào mẹ. Trong số ấy, có những người trì giới niệm Phật già giặn, chắc thật, dù Tín Nguyện chưa đến mức cùng cực, tướng lành chẳng hiện, nhưng đều an nhiên mạng chung. Vì sao như vậy? Là vì tâm thuỷ trong lặng, do phân biệt nên xao động, đục ngầu, sóng thức trào dâng. Do Phật hiệu nên tâm thuỷ ngưng lặng. Bởi thế, kẻ thượng trí chẳng bằng kẻ hạ ngu, biến quá khéo thành vụng về lớn vậy!”
Published
Trích đoạn : Tịnh Độ Đại Kinh, giải diễn nghĩa . Tập 402
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng

Chư Phật Như Lai dạy chúng ta tu thành, tu như thế nào ? Buông bỏ liền được thành tựu. Câu này chúng ta nghe rất quen, nhưng vấn đề ở đâu ? Vấn đề ở chỗ không buông được. Chúng ta nên nhớ rằng không buông được thì không thể thành tựu, không buông được thì không phải thật sự học Phật. Phải buông bỏ thân kiến, bắt đầu buông từ đâu ? Bắt đầu từ tự tư tự lợi. Nên biết rằng chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay bị tự tư tự lợi hại rất thảm, nếu không đã thành Phật từ lâu rồi, đã đến thế giới Cực Lạc từ lâu rồi. Chính là không buông được tự tư tự lợi, không buông được danh văn lợi dưỡng, tham luyến luân hồi lục đạo. Trong luân hồi lục đạo, chỉ cần một chút không cẩn thận liền đọa ngay vào trong tam đồ địa ngục. Đọa vào ba đường ác rất dễ, chỉ cần không cẩn thận liền rớt vào ngay. Khi đã rơi vào sẽ không có ngày ra khỏi.
Trong khi giảng kinh chúng tôi nói đến ba đường ác rất nhiều lần, đó là nơi tiêu nghiệp chướng của chúng ta_ở nơi đó tiêu nghiệp chướng. Phải đoạn tận hết nghiệp chướng từ vô thỉ kiếp mới có thể ra khỏi, tội nghiệp chưa hết không thể nào ra khỏi. Chính là nói nhiễm ô, dơ bẩn của thân này đến đó sẽ rửa sạch, rửa sạch rồi được ra, nhưng ra chưa bao lâu lại bị nhiễm ô, lại tiếp tục bị đọa như trước, rồi lại rửa thêm lần nữa, làm những điều ngu ngốc như vậy.
Vì sao có hiện tượng này ? Vì chưa thật sự giác ngộ. Thật sự giác ngộ thì sau khi đã ra khỏi, sẽ không còn làm điều ngu ngốc nữa, nghĩa là không còn tự tư tự lợi, không còn bị danh văn lợi dưỡng dẫn dắt, thật đã buông bỏ hết những thứ đó. Ngũ dục lục trần, tham sân si mạn triệt để buông bỏ để cầu sanh Tịnh độ, đúng là “vạn người tu vạn người đi”, không sót người nào. Do vậy kinh này không thể không đọc.
Phiền não hiện hành, trong cuộc sống hằng ngày xảy ra vấn đề phải làm sao? Đọc kinh, buông bỏ vạn duyên. Đọc kinh này từ đầu đến cuối một hai lần thì vấn đề sẽ được giải quyết. Tâm thanh tịnh hiện tiền, tâm thanh tịnh thì trí huệ sanh, trí huệ có thể giải quyết vấn đề. Nói cách khác thật sự giải quyết vấn đề, chư Phật Bồ Tát làm tăng thượng duyên, ai giải quyết? Tánh đức của chính mình giải quyết. Mượn duyên này của Phật Bồ Tát để dẫn trí huệ đức năng trong tánh đức của mình ra, như vậy vấn đề liền được giải quyết. Đây là thật không phải giả. Cho nên chư Phật Bồ Tát giáo hóa chúng sanh, giúp chúng sanh từ sơ phát tâm đến thành Phật viên mãn, Phật không cho rằng mình có công lao, mình làm hay quá, không có. Vì sao vậy? Là tự quý vị thành tựu, Phật chỉ làm tăng thượng duyên cho chúng ta. Thân nhân duyên chúng ta đầy đủ, sở duyên duyên, vô gián duyên đều là chúng ta vốn có, không phải từ bên ngoài đến.
Giống như trường học hiện nay thầy giáo giúp đỡ học sinh. Thầy giáo tốt chỉ có thể đem kinh nghiệm thành công của mình nói với quý vị. Khi đã giác ngộ, đã thấu suốt tự mình biết phải làm như thế nào.

Có thể làm đến cảnh giới thành công viên mãn, ân đức của thầy là chỉ thị phương hướng, chỉ thị mục tiêu cho chúng ta, nói với chúng ta phương pháp.

Thành công hay thất bại là do chính mình có thật thực hành hay không. Thật nghe lời và y giáo phụng hành, chẳng có ai không thành công.
Khởi tâm niệm Phật chính là thỉ giác, thỉ giác hợp bổn giác. Bổn giác và thỉ giác là một giác, không hai không khác. Quý vị giác điều gì? Giác là bổn giác của quí vị. Trong tự tánh vốn có, nhưng vì mê nên bất giác. Bây giờ buông bỏ mê hoặc thì giác ngộ hiển bày. Dùng phương pháp gì? Phương pháp niệm Phật là tốt nhất. Vì sao vậy? Vì câu A Di Đà Phật này chính là đức hiệu của bản giác. Vô lượng giác_A Di Đà Phật dịch thành chữ hán là vô lượng giác. Vô lượng giác trong tự tánh vốn đầy đủ. Hiện nay ta bất giác, đang mê. Bắt đầu từ hôm nay ngày ngày niệm vô lượng giác, khiến bản giác chính mình hiển bày, sự việc chính là như vậy.

Bồ Tát tu hành, tu tâm trước tu thân. Tâm chánh ngôn hành tự nhiên chánh, tâm tà muốn học chánh họ cũng không chánh được, vì sao vậy ?

Vì họ mang theo tập khí tà ác khiến công đức chơn chánh của mình đều bị phá hoại, đây là điểm tu hành khó nhất hiện nay. Họ không phải hữu ý mà là vô ý, nhưng đã thành thói quen.
Điểm này chúng ta thật sự nghĩ rằng người thành tựu trong một đời không thể không cẩn thận, không thể huân tập thành một thói quen xấu. Làm thế nào để tập thành thói quen tốt ?

Đó là cần thiết phải tuân thủ, phải thật sự thực hành Đệ Tử Quy, Cảm Úng Thiên, Thập Thiện Nghiệp. Công phu thật chính là nền tảng thật sự. Không hạ công phu này thì công đức này không dễ thành tựu, sẽ bị những tập khí không tốt phá hoại. Những tập khí này tự mình không biết được, nên cho rằng tự mình làm cũng không tệ, làm rất tốt.

Đến cuối cùng khi lâm mạng chung, khi vãng sanh mới bị chướng ngại, không đi được. Lúc này hối hận cũng đã muộn.
Category
Hòa Thượng Tịnh Không