TRONG TÂM GIEO NGƯU ĐẦU, HƯƠNG XÔNG KHẮP TAM THIÊN

2 Views
Đại Nguyện Nguyện 18 trong 48 Đại Nguyện của Phật A Di Đà : Nếu con được thành Phật, mà chúng sanh trong mười phương dốc lòng tin tưởng, muốn sanh về cõi nước con chỉ trong mười niệm, nếu không được toại nguyện, thì con chẳng trụ ở Ngôi Chánh Giác, trừ kẻ phạm năm tội nghịch và gièm chê Chánh Pháp. Nam Mô Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật Lời Khuyên Tịnh Độ (Ấn Quang Đại Sư) “ Ấn Quang từ Tây qua Ðông, từ Bắc xuống Nam, qua lại hơn vạn dặm, gặp gỡ nhiều người. Trong số đó, lắm kẻ bình nhật tự vỗ ngực là bậc thông Tông, thông Giáo, coi Tịnh Ðộ như uế vật, chỉ sợ nó làm bẩn lây đến mình. Lúc lâm chung, đa số chân loạn tay cuống, kêu cha gào mẹ. Trong số ấy, có những người trì giới niệm Phật già giặn, chắc thật, dù Tín Nguyện chưa đến mức cùng cực, tướng lành chẳng hiện, nhưng đều an nhiên mạng chung. Vì sao như vậy? Là vì tâm thuỷ trong lặng, do phân biệt nên xao động, đục ngầu, sóng thức trào dâng. Do Phật hiệu nên tâm thuỷ ngưng lặng. Bởi thế, kẻ thượng trí chẳng bằng kẻ hạ ngu, biến quá khéo thành vụng về lớn vậy!”
Published
Nguyên Tác: Pháp Sư Tông Đạo
Người Dịch: Thích Nữ Hòa Hiệp
Người Đọc: Nhuận Ý
---------------
Trong kinh Quán Phật tam-muội ghi chép, Phật đã từng thảo luận công đức niệm Phật với vua cha Tịnh Phạn, để cho vua càng hiểu hơn về công năng lực dụng của niệm Phật. Phật nêu một ví dụ như sau:
Tại nước Ấn Độ xưa có một giống cây, tên gọi là Y lan, cây này tỏa ra mùi rất thối, có thể nói là cây thối nhất trên đời. Cây Y lan tỏa ra mùi thối xông tận trời, khiến người ngửi phải đều khó chịu, nôn mửa. Nếu có động vật không cẩn thận ăn phải quả hoặc hoa của cây này thì lập tức nổi điên loạn đến chết. Hiện tại, có một cánh rừng Y lan, chu vi 1600 dặm, mùi thối lan tỏa cả trong và ngoài rừng. Nhưng mà, có một hôm, trong rừng đột nhiên nhú lên mầm của một giống cây nhỏ khác lạ, cây này tên là Ngưu đầu chiên đàn, đây lại là cây thơm nhất trên đời. Cứ thế mầm cây chiên đàn dần dần đùn đất, lớn lên, lúc mới thành hình dáng của một cội cây thì liền tỏa ra mùi thơm, hương thơm này phảng phất lan tỏa khắp trong không trung, bao phủ cả rừng Y lan. Vì hương thơm này quả thật quá thơm, nên tuy chỉ có một cây ngưu đầu chiên đàn, lại là cây con, nhưng lại đủ để lấn át mùi hôi thối của toàn bộ 1600 dặm cây Y lan tỏa ra, khiến cho người lân cận cánh rừng chỉ ngửi thấy mùi hương, không có tí mùi hôi nào. Phàm là người thấy được cảnh tượng này đều xuýt xoa là việc hiếm có.
Phật bảo Phụ vương: “Tất cả chúng sanh ở trong sanh tử, tâm niệm Phật cũng như vậy. Chỉ cần có thể buộc niệm không dừng, nhất định sanh trước Phật. Một khi được vãng sanh thì liền thay đổi tất cả các ác, trở thành đại từ bi, như cây thơm kia thay đổi cả rừng Y lan”.
Chúng sanh ở trong sanh tử luân hồi, nội tâm đầy ắp ba độc ba chướng, vô biên tội nặng, như cánh rừng Y lan rộng lớn, cả ngày tỏa ra mùi hôi thối, mùi độc hại, tự hại hại người, tổn thương mình và người, độc nhiễm không ngừng, cơ hồ cả tam thiên đại thiên thế giới đều bị ô nhiễm đến đỉnh điểm. Nhưng mà thời này có người xưng “Nam-mô A-di-đà Phật” thì như cây con “ngưu đầu chiên đàn” kia, mặc dù tâm niệm Phật rất yếu kém, nhưng rốt cuộc “hương thơm” dị thường đủ để lấn áp hết mọi mùi hôi thối phiền não trong tâm chúng sanh, chuyển hôi thối thành thơm tho, sau cùng vãng sanh trước Phật, biến “tất cả các ác thành đại từ bi”.
Phật dùng thí dụ này, dốc lòng làm sáng tỏ công đức không thể nghĩ bàn của niệm Phật, trong tâm mỗi chúng sanh đều có cánh rừng Y lan rộng lớn nhìn không thấy bờ mé, trong 24 giờ tỏa ra mùi hôi thối. Muốn cải đổi, có người có lẽ sẽ chặt phá từng cây từng cây trong cánh rừng này, không biết làm thế nào vì khu rừng quá lớn, cây cũng quá nhiều, mới chặt phá không được bao nhiêu cây thì mạng người đã hết, lại tiếp tục luân hồi.
Chi bằng để trong tâm chúng ta gieo xuống một cây “ngưu đầu chiên đàn”—chỉ cần nhẹ nhàng niệm một câu “Nam-mô A-di-đà Phật”, tự nhiên mầm non hương thơm của danh hiệu phảng phất khắp Ta-bà, xông đến Cực Lạc, chuyển đời ác năm trược thành thế giới Tây phương Cực Lạc Liên hoa!

Nam-mô A-di-đà Phật!
Category
Dharma