NIỆM PHẬT THÙ THẮNG DỄ DÀNG - PHẦN 1 | PHÁP SƯ TỊNH TÔNG

3 Views
Đại Nguyện Nguyện 18 trong 48 Đại Nguyện của Phật A Di Đà : Nếu con được thành Phật, mà chúng sanh trong mười phương dốc lòng tin tưởng, muốn sanh về cõi nước con chỉ trong mười niệm, nếu không được toại nguyện, thì con chẳng trụ ở Ngôi Chánh Giác, trừ kẻ phạm năm tội nghịch và gièm chê Chánh Pháp. Nam Mô Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật Lời Khuyên Tịnh Độ (Ấn Quang Đại Sư) “ Ấn Quang từ Tây qua Ðông, từ Bắc xuống Nam, qua lại hơn vạn dặm, gặp gỡ nhiều người. Trong số đó, lắm kẻ bình nhật tự vỗ ngực là bậc thông Tông, thông Giáo, coi Tịnh Ðộ như uế vật, chỉ sợ nó làm bẩn lây đến mình. Lúc lâm chung, đa số chân loạn tay cuống, kêu cha gào mẹ. Trong số ấy, có những người trì giới niệm Phật già giặn, chắc thật, dù Tín Nguyện chưa đến mức cùng cực, tướng lành chẳng hiện, nhưng đều an nhiên mạng chung. Vì sao như vậy? Là vì tâm thuỷ trong lặng, do phân biệt nên xao động, đục ngầu, sóng thức trào dâng. Do Phật hiệu nên tâm thuỷ ngưng lặng. Bởi thế, kẻ thượng trí chẳng bằng kẻ hạ ngu, biến quá khéo thành vụng về lớn vậy!”
Published
PHẦN 1 - LỜI GIỚI THIỆU

PHÁP SƯ TỊNH TÔNG
Người dịch: Thích Nhuận Đạt - Hiệu đính: Định Huệ
----------------------------------------------------------------------------------------
LỜI GIỚI THIỆU

Đức Phật xuất hiện ở thế gian với một mục đích là dùng mọi phương tiện thiện xảo cứu vớt chúng sanh thoát khỏi sanh tử luân hồi. Do đó, tùy theo căn cơ chúng sanh, Phật thuyết rất nhiều phương pháp để đạt đến giải thoát, mà thuật ngữ Phật giáo gọi đó là tám vạn bốn nghìn pháp môn, nhưng chung quy, theo Tổ sư Đạo Xước có thể chia Phật pháp làm hai môn là Thánh Đạo môn và Tịnh Độ môn. Hầu hết các pháp môn thuộc Thánh Đạo môn dù Tiểu thừa (tu Tứ đế, Thập nhị nhân duyên) hay Đại thừa (tu Lục độ, Vạn hạnh) đều chuộng tự lực, ở tại cõi Ta-bà này tu hành giác ngộ thành Phật như đức Bổn sư Thích-ca-mâu-ni Phật. Duy có pháp môn Niệm Phật thuộc Tịnh Độ môn tuyệt đối nương vào sức bản nguyện cứu độ của đức Phật A-di-đà, vãng sanh về thế giới Cực Lạc ở phương Tây và ở đó thành Phật. Đây là pháp môn tha lực, đặc biệt, khác với pháp môn thông đồ (theo đường lối chung là phải tu giới định huệ).

Dị hành phẩm trong luận Thập trụ tỳ-bà-sa, bồ-tát Long Thọ có nói đến hai đạo Nan hành và Dị hành. Thánh Đạo môn tự lực là đạo khó hành (Nan hành đạo) ví như đi bộ nhọc nhằn, còn Tịnh Độ môn nương vào nguyện lực của Phật (tha lực) là đạo dễ hành (Dị hành đạo) ví như đi thuyền thoải mái. Mặc dù cả hai đều là bản hoài cứu độ chúng sanh của Phật, nên đều là thù thắng, nhưng có khó và dễ khác nhau. Phần đông nghĩ rằng ‘thù thắng’ thì lẽ ra phải khó, chứ làm sao dễ được! Họ đâu biết rằng có pháp môn A-di-đà Phật đại từ đại bi cứu độ khắp tất cả mười phương chúng sanh tội khổ là pháp môn Niệm Phật thù thắng mà dễ dàng. Đây là điều mà tác giả quyển sách quý vị đang cầm trên tay muốn truyền đạt.

Nội dung quyển sách này, pháp sư Tịnh Tông lược giảng bài tựa của sách Niệm Phật cảm ứng lục do pháp sư Huệ Tịnh viết. Bài tựa này được viết rất công phu, đầy đủ cả ba phần: Văn chứng (ba kinh một luận Tịnh Độ và Ngữ lục của các vị Tổ sư), Lý chứng (lý luận biện minh), Sự chứng (các câu chuyện xác thực về niệm Phật cảm ứng). Trong phần chánh giảng bài tựa sách Niệm Phật cảm ứng lục, pháp sư Tịnh Tông chia làm 11 chương như sau:

1. Diệu pháp ứng cơ, chỉ ở niệm Phật
2. Bản nguyện siêu thế, chỉ nói niệm Phật
3. Ánh sáng Di-đà chỉ nhiếp niệm Phật
4. Chư Phật, bồ-tát hộ trì niệm Phật
5. Chúng sanh duyên sâu, chỉ có Di-đà
6. Sáu chữ tóm thâu tất cả pháp môn
7. Lợi ích hiện đương tức là niệm Phật
8. Bốn loại cảm ứng, bốn loại cứu độ
9. Tính chất cuốn sách, có ba đặc điểm
10. Hiện đời phần đông, dẫn người chuyên nhất
11. Mục đích cuốn sách, khuyên tin niệm Phật

Đại đức Thích Nhuận Đạt nhận thấy lợi ích thiết thực của tập sách này cho phần đông người tu Tịnh Độ, nên Thầy phát tâm phiên dịch từ nguyên tác Hoa ngữ Niệm Phật thắng dị sang Việt ngữ với nhan đề Niệm Phật thù thắng dễ dàng để phổ biến rộng rãi trong cộng đồng người Việt chúng ta. Thầy có đem bản dịch cuốn sách này trình lên cho tôi xem, và xin vài lời giới thiệu. Tôi tùy hỷ công đức hoằng pháp của thầy, nay xin viết đôi dòng đặt ở đầu sách, tạm gọi là lời giới thiệu.

Tu viện Huệ Quang, ngày Phật Đản, Rằm tháng Tư Pl.2562 (nhằm ngày 29/5/2018).

Hòa thượng THÍCH MINH CẢNH

PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM

GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM DỊCH THUẬT HÁN NÔM HUỆ QUANG

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
--------------------------
(CHIA SẺ PHÁP LÀ CÁCH CÚNG DƯỜNG TỐI THƯỢNG)
Đây là kênh sách nói chính thức của Ban quản trị, mời quý vị theo dõi:
Video file: https://www.youtube.com/c/tinhdotong
Audio file: http://bit.ly/3X4JGz3
Category
Dharma