NGƯỜI TA ĐẾN NÓI VỚI TÔI VIỆC TỐT THÌ TÔI NGHE TÔI HOAN HỶ NÓI VIỆC XẤU THÌ TÔI NGĂN CHẶN VÌ SAO VẬY

8 Views
Đại Nguyện Nguyện 18 trong 48 Đại Nguyện của Phật A Di Đà : Nếu con được thành Phật, mà chúng sanh trong mười phương dốc lòng tin tưởng, muốn sanh về cõi nước con chỉ trong mười niệm, nếu không được toại nguyện, thì con chẳng trụ ở Ngôi Chánh Giác, trừ kẻ phạm năm tội nghịch và gièm chê Chánh Pháp. Nam Mô Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật Lời Khuyên Tịnh Độ (Ấn Quang Đại Sư) “ Ấn Quang từ Tây qua Ðông, từ Bắc xuống Nam, qua lại hơn vạn dặm, gặp gỡ nhiều người. Trong số đó, lắm kẻ bình nhật tự vỗ ngực là bậc thông Tông, thông Giáo, coi Tịnh Ðộ như uế vật, chỉ sợ nó làm bẩn lây đến mình. Lúc lâm chung, đa số chân loạn tay cuống, kêu cha gào mẹ. Trong số ấy, có những người trì giới niệm Phật già giặn, chắc thật, dù Tín Nguyện chưa đến mức cùng cực, tướng lành chẳng hiện, nhưng đều an nhiên mạng chung. Vì sao như vậy? Là vì tâm thuỷ trong lặng, do phân biệt nên xao động, đục ngầu, sóng thức trào dâng. Do Phật hiệu nên tâm thuỷ ngưng lặng. Bởi thế, kẻ thượng trí chẳng bằng kẻ hạ ngu, biến quá khéo thành vụng về lớn vậy!”
Published
NGƯỜI TA ĐẾN NÓI VỚI TÔI VIỆC TỐT THÌ TÔI NGHE "TÔI HOAN HỶ NÓI VIỆC XẤU THÌ TÔI NGĂN CHẶN "VÌ SAO VẬY ?

Người sống ở đời, trong kinh điển Phật thường nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Chúng ta được thân người, được nghe Phật pháp, dù có chút thiện căn, phải cố gắng bồi dưỡng thiện căn này. Trong bộ kinh này, Phật nói rất hay: “Bồ-tát trú dạ, thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quan sát thiện pháp, bất dung hào phân bất thiện gián tạp”. Lời khai thị này thật quý báu. Tôi không những trong đời này không tọc mạch chuyện của người khác. Họ không quan hệ gì với tôi, tôi tọc mạch họ làm gì? Người ta đến nói với tôi việc tốt của người khác thì tôi nghe, tôi hoan hỷ, nói việc xấu thì tôi lập tức ngăn chặn, tôi không nghe, “bạn muốn nói, hãy đi nói với người khác”. Tại sao vậy? Chúng ta bảo vệ tâm thanh tịnh, bảo vệ tâm cung kính, đây là tánh đức, tuyệt đối không cho ô nhiễm. Người ta nói người nào đó phỉ báng thầy ra sao, họ nói vài câu, tôi liền không cho phép họ nói nữa. Chúng ta vĩnh viễn nhớ kỹ chỗ tốt của người khác đối với chúng ta, điều này tốt, làm thiện với người, bản thân chúng ta tự tại biết bao, an lạc biết bao, hạnh phúc biết bao! Ở trong một đời không có kẻ oan gia, không có người đối đầu. Cho dù có oan gia đối địch, nhưng là ở bên phía họ, do họ hiểu lầm về chúng ta, ta không có hiểu lầm về họ. Họ dùng ý xấu đối với ta, ta dùng thiện ý đãi họ. Đời này không biết thì đời sau biết, đây là học Bồ-tát. Cổ thánh tiên hiền thường hay dạy chúng ta: “Nhân giả vô địch”. “Nhân giả” trong Phật pháp là cách xưng hô đối với Bồ-tát, người nhân từ trong tâm không có oan gia, không có đối đầu, vậy mới là nhân từ. Bạn còn có người này làm khó với ta, người kia đối với ta không tốt, là chính bạn không có nhân từ. Chúng ta học Phật chí ít phải hiểu được điểm này, phải nghiêm túc học tập.
Sanh tử là việc nhỏ. Người ta xem sanh tử là việc lớn, nhưng chúng tôi nhìn thấy sanh tử là việc nhỏ, nhân quả mới là việc lớn. Chết rồi không phải là mọi thứ đều hết, mà còn có đời sau. Chúng ta đời này dùng tâm chân thành cung kính đối nhân xử thế tiếp vật mà vẫn gặp phải lời phỉ báng không tốt thì chúng ta phải sám hối. Ta trong đời quá khứ tạo nghiệp bất thiện (trong đời này không tạo, nhưng trong đời quá khứ đã tạo nghiệp bất thiện) nên mới chiêu cảm đến quả báo bất như ý này. Bản thân chúng ta hiểu rõ khi nghịch cảnh đến thì vui vẻ tiếp nhận, vậy là trả xong rồi. Nợ đã hết rồi, lần sau gặp mặt lại là bạn bè tốt, nhất định không nên oan oan tương báo. Oan oan tương báo thì không bao giờ dứt, đó là sai lầm nghiêm trọng.

TRÍCH TỪ BÀI GIẢNG' KINH THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO(TẬP 30)

HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG GIẢNG
Category
Hòa Thượng Tịnh Không