Người niệm Phật thì nhiều, nhưng người vãng sanh rất ít. Chúng ta tạp tu. Người hiện nay làm gì ?

13 Views
Đại Nguyện Nguyện 18 trong 48 Đại Nguyện của Phật A Di Đà : Nếu con được thành Phật, mà chúng sanh trong mười phương dốc lòng tin tưởng, muốn sanh về cõi nước con chỉ trong mười niệm, nếu không được toại nguyện, thì con chẳng trụ ở Ngôi Chánh Giác, trừ kẻ phạm năm tội nghịch và gièm chê Chánh Pháp. Nam Mô Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật Lời Khuyên Tịnh Độ (Ấn Quang Đại Sư) “ Ấn Quang từ Tây qua Ðông, từ Bắc xuống Nam, qua lại hơn vạn dặm, gặp gỡ nhiều người. Trong số đó, lắm kẻ bình nhật tự vỗ ngực là bậc thông Tông, thông Giáo, coi Tịnh Ðộ như uế vật, chỉ sợ nó làm bẩn lây đến mình. Lúc lâm chung, đa số chân loạn tay cuống, kêu cha gào mẹ. Trong số ấy, có những người trì giới niệm Phật già giặn, chắc thật, dù Tín Nguyện chưa đến mức cùng cực, tướng lành chẳng hiện, nhưng đều an nhiên mạng chung. Vì sao như vậy? Là vì tâm thuỷ trong lặng, do phân biệt nên xao động, đục ngầu, sóng thức trào dâng. Do Phật hiệu nên tâm thuỷ ngưng lặng. Bởi thế, kẻ thượng trí chẳng bằng kẻ hạ ngu, biến quá khéo thành vụng về lớn vậy!”
Published
Trích đoạn : Phẩm thứ sáu Tập 4 - 5 - 6
TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH KHOA CHÚ. Tập 179 - 317 -379
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng

Hiện nay, chúng sanh quá đáng thương rồi, chịu những khổ nạn mà trước đây chưa hề có. Thế giới này loạn như vậy, tai nạn quá nhiều chưa hề tìm thấy trong lịch sử, không hề thấy có ghi chép những chuyện như thế. Vì sao có thể biến chuyển thành như thế vậy? Do bị truyền thông truyền nhiễm, chúng ta vào cái thời đại này khi nền giáo dục Thánh hiền không còn nữa. Giờ ai đang dạy vậy ? Truyền hình đang dạy, mạng internet dạy. Trẻ con từ nhà trẻ cho đến khi trưởng thành, ngày ngày đều đang dạy chúng: Sát, Đạo, Dâm, Vọng. Thảy đều là mặt trái, cái xã hội này làm sao mà không loạn cho được. Thảm họa trên trái đất làm sao có thể giảm thiểu được! Những sự lý của vấn đề này chúng ta phải thấu hiểu toàn bộ, phải tường tận. Chúng ta ngày nay muốn thoát khỏi sáu nẻo luân hồi, muốn thoát ly thập Pháp Giới, phải để tất cả những tác động của những thứ này càng nhẹ càng tốt.

Đại sư Ngẫu Ích nói với chúng ta bốn chữ thì có thể cảm được: tín, nguyện, trì danh. Tín, nguyện là tâm đại Bồ-đề, là tâm Vô thượng Bồ-đề, trì danh chính là nhất tâm chuyên niệm, chú ý chữ “chuyên” này mới được. Chúng ta niệm Phật, niệm Phật đồng thời xen tạp vọng niệm, xen tạp vọng tưởng, cho nên không chuyên, không nhất. Vì vậy mỗi ngày niệm cũng không ít, niệm mấy chục năm mà không có cảm ứng, không có cảm ứng thì hoài nghi, họ bảo trong kinh nói không linh, tôi đã làm như vậy, tại sao không thấy được Phật ? Không biết rằng sai lầm ở chính mình, còn kinh Phật nói không sai. Thật sự là hiếm có. Tại sao có thể thấy Phật ? “Toàn bằng Di Đà Nhất-thừa nguyện hải, lục tự hồng danh bất tư nghị lực”(Toàn nương vào biển nguyện Nhất-thừa Di Đà và lực không thể nghĩ bàn của sáu chữ hồng danh).
Chúng ta đã lơ là bốn câu này, đem 48 nguyện của A Di Đà Phật quên mất, cũng thường xuyên đánh mất câu Phật hiệu Nam Mô A Di Đà Phật này, vọng tưởng tạp niệm quá nhiều rồi! Ngày ngày đang bổ sung vọng tưởng, khởi nguồn chủ yếu nhất đến từ truyền thông đa phương tiện, quý vị xem ti vi, quý vị nghe phát thanh, quý vị đọc báo chí, quý vị xem tạp chí, quý vị thu thập những tin tức này, những tin tức này không liên quan chút nào đến kết thúc sanh tử, ra khỏi ba cõi, mà còn chướng ngại đến tu trì của chúng ta. Lúc có giác ngộ, là chuyện tốt, giác ngộ thì nhanh chóng quay đầu. Thế nhưng người thông thường thời gian giác ngộ ngắn ngủi, thời gian mê thì rất dài, một ngày 24 giờ, đại khái giác ngộ, bao nhiêu lần giác ngộ cộng lại vẫn không đến một giờ, thời gian mê hoặc có lẽ chiếm 23 giờ, nên không có hy vọng vãng sanh. Tối thiểu thời gian chính mình tỉnh táo có thể phải chiếm 12 giờ. Trong 24 giờ, thì 12 giờ mê hoặc, 12 giờ tỉnh ngộ, vậy thì có khả năng vãng sanh, nhưng không chắc chắn. Làm sao mới chắc chắn? Vậy thì thời gian tỉnh ngộ phải ít nhất chiếm 21 giờ, còn thời gian mê 3 giờ, ba giờ làm gì? Ngủ rồi, 21 giờ tỉnh táo, Phật hiệu không gián đoạn, thì nắm chắc vãng sanh. Chư vị phải ghi nhớ, Hoàng Niệm lão làm tấm gương cho chúng ta, nửa năm cuối cùng của ngài, trước vãng sanh nửa năm, mỗi ngày niệm Phật 140 ngàn câu, quý vị hãy nghĩ xem, niệm Phật 140 ngàn tiếng, niệm nửa năm thì vãng sanh rồi.
Chúng ta nhìn thấy cổ nhân, biết được sự việc này vô cùng quan trọng, nên buổi tối không dám ngủ, phải tự chiết phục, để Phật hiệu ngày đêm không gián đoạn. Tại sao vậy? Vì cầu sanh Tịnh-độ, vì thoát khỏi sáu đường luân hồi.

Niệm Phật sợ nhất là tạp tu, họ không thể chuyên nhất. Nhìn thấy kinh giáo thì muốn mở ra xem, muốn học tập; nhìn thấy người tham thiền thì thích thiền; thấy người trì giới thì cũng muốn đắp y trì bát. Có tốt không ? Tốt. Có thể vãng sanh không ? Không thể vãng sanh. Vì sao vậy? Đại sư Ngẫu Ích nói rất hay, thật sự vãng sanh cần phải tín nguyện trì danh. Công phu phải chuyên nhất, chuyên nhất thì được vãng sanh; không thể chuyên nhất thì không thể vãng sanh. Chúng ta tạp tu, Pháp môn gì cũng muốn, thậm chí đối với kinh điển ngoại đạo, những sách của thế tục cũng muốn học, cũng muốn xem, không nghĩ đến lời Phật đã dạy chúng ta trong Kinh Kim Cang: “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (Pháp còn phải xả, huống gì phi pháp). Pháp là gì ? Phật pháp, buông hết 84 ngàn Pháp môn, nhất hướng chuyên niệm. Trong kinh này, Phật đã chỉ dạy cho chúng ta, tu Tịnh-độ như thế nào? Phát tâm Bồ-đề, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, phải nhớ kỹ chữ “chuyên” đó, không thể xen tạp.
Category
Hòa Thượng Tịnh Không