Khoá Tu Học Phật Pháp Âu Châu Kỳ 32-TT. Thích Hoằng Khai Thuyết Giảng Online Lớp 3 Ngày 10/07/21

5 Views
Đại Nguyện Nguyện 18 trong 48 Đại Nguyện của Phật A Di Đà : Nếu con được thành Phật, mà chúng sanh trong mười phương dốc lòng tin tưởng, muốn sanh về cõi nước con chỉ trong mười niệm, nếu không được toại nguyện, thì con chẳng trụ ở Ngôi Chánh Giác, trừ kẻ phạm năm tội nghịch và gièm chê Chánh Pháp. Nam Mô Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật Lời Khuyên Tịnh Độ (Ấn Quang Đại Sư) “ Ấn Quang từ Tây qua Ðông, từ Bắc xuống Nam, qua lại hơn vạn dặm, gặp gỡ nhiều người. Trong số đó, lắm kẻ bình nhật tự vỗ ngực là bậc thông Tông, thông Giáo, coi Tịnh Ðộ như uế vật, chỉ sợ nó làm bẩn lây đến mình. Lúc lâm chung, đa số chân loạn tay cuống, kêu cha gào mẹ. Trong số ấy, có những người trì giới niệm Phật già giặn, chắc thật, dù Tín Nguyện chưa đến mức cùng cực, tướng lành chẳng hiện, nhưng đều an nhiên mạng chung. Vì sao như vậy? Là vì tâm thuỷ trong lặng, do phân biệt nên xao động, đục ngầu, sóng thức trào dâng. Do Phật hiệu nên tâm thuỷ ngưng lặng. Bởi thế, kẻ thượng trí chẳng bằng kẻ hạ ngu, biến quá khéo thành vụng về lớn vậy!”
Published
Y Báo Và Chánh Báo Cõi Cực Lạc
(Người Và Cảnh Vật Ở Thế Giới Cực Lạc)

Y Báo Và Chánh Báo Cõi Cực LạcKinh Vô Lượng Thọ chép rằng: Đức Phật A Di Đà khi đương còn làm Tỳ kheo, tên là Pháp Tạng. Tỳ kheo Pháp Tạng nhắm mục đích trang nghiêm cõi Tịnh độ để dễ giáo hóa các loài hữu tình, nên đã từng xin với Đức Phật Thế Tự Tại dạy cho biết tướng trạng (hình thức) vào nội dung 210 ức quốc độ của Chư Phật. Nghe xong, Ngài lại yêu cầu biến hiện cho thấy để y cứ vào đó mà tham khảo làm ấn tượng trong khi tu hành.
Sau khi thấy nghe tường tận bao nhiêu cảnh giới quốc độ của Chư Phật, Tỳ kheo Pháp Tạng mới bắt đầu vận hết tinh thần tu nhơn “tạo quốc độ.” Trải 5 kiếp tư duy nhiếp thủ ngài mới thành tựu thế giới Cực lạc.
Xét kỹ về mặt kiến lập, các thế giới trong mười phương đều do cộng nghiệp của chúng sanh tạo thành và đều chỉ do thức biến hiện. Trong sự tạo tác biến hiện, tất cả đều nương vào nhơn duyên, gá mướn nhau mà sanh khởi, Cảnh giới biến hiện bên ngoài in tuồng như có, nhưng sự thật thì chỉ do nội thức biến chuyển, nghĩa là đều quy về nhứt tâm cả. Ở đây, chư Phật là những bậc đã tịnh hóa được tâm thức, dùng tâm thức thanh tịnh ấy mà biến hiện thì tạo thành Tịnh độ. Nếu chúng sanh nhứt tâm niệm Phật tức là gieo chánh niệm vào tịnh thức của Phật, như đổ một chậu nước vào biển cả. Nước chậu dung hòa với nước biển, cùng chung một hương vị. Cũng thế, khi chúng sanh đã sanh vào quốc độ của chư Phật, y báo và chánh báo của chúng sanh cũng trở thành trang nghiêm như Phật và cũng sẽ được dung thông vô tận vậy.
Bây giờ, chúng ta thử tìm hiểu vì sao Ngài Tỳ kheo Pháp tạng phải trải qua năm kiếp tư duy nhiếp thủ mới hoàn thành được cảnh giới Cực lạc. Ta hãy cử một thí dụ cho rõ nghĩa: thí dụ về cách tạo nhơn để thành tựu một cây bửu thọ.
Ngài Pháp Tạng tỳ kheo trong lúc tu quán, tập trung tư tưởng vào một khoảng hư không. Trong khoảng hư không ấy vốn không có gì hết, nhưng Ngài tưởng tượng ra một cây bửu thọ gốc vàng, cành bạc, nhánh lưu ly, chồi thủy tinh, lá san hô, hoa mã não, trái xa cừ. Sự tưởng tượng như thế gọi là tư duy. Khi tư duy đã thuần thục, cây bửu thọ đã hoàn thành, Ngài nắm giữ lấy tư tưởng ấy không phóng xả; cây bửu thọ ấy cũng sẽ do đó mà vĩnh viễn tồn tại!
Bấy giờ Ngài mới mong ý muốn cho cây bửu thọ “chết” ấy thoát khỏi trạng thái tỉnh để trở nên sống động: Muốn nó nở hoa kết quả, nó liền nở hoa kết quả; muốn nó phát ra thanh âm, nó liền phát ra thanh âm v.v… Cứ y như thế mà hành trì thì gọi là nhiếp thủ nghĩa là thu hoạch và giữ lấy.
Đối với cây bửu thọ kia, chỉ có Phật nhãn mới biết cây bửu thọ nó là hư huyễn không thật, kỳ dư chúng sanh trong chín cảnh giới khác, kể từ địa ngục sắp lên và Bồ tát sắp xuống, hết thảy đều thấy cây bửu thọ là thật có. Chúng sanh dùng mắt mà trông thì nó có sắc thật; dùng tai mà nghe thì nó có tiếng thật; dùng mũi mà ngửi thì nó có mùi thật; dùng lưỡi mà nếm thì nó có vị thật; dùng thân mà sờ thì nó có chất thật; dùng ý mà suy nghĩ thì nó có hình dáng thật. Sở dĩ có các cảm giác như thật ấy vì sự cấu tạo cây bửu thọ đã hoàn thành rồi.
Lấy sự tạo thành của một cây bửu thọ đơn cử ra đây, chẳng qua là để làm thí dụ cho ta hiểu rằng sự hoàn thành cả cõi Tịnh độ đòi hỏi công phu và thời gian lâu dài đến bực nào. Ở thế giới Cực lạc không riêng gì một cây này mà tất cả sự vật, hình hình sắc sắc ngàn sai muôn khác, thảy đều có một nguồn gốc tạo thành giống như thế cả.
Còn lý do khiến Ngài pháp Tạng Tỳ kheo phát tâm tu tập tư duy nhiếp thủ để tạo thành cảnh giới Tịnh độ là cốt nhằm xây dựng một chốn đạo tràng thanh tịnh trang nghiêm để tiếp độ chúng sanh. Ngài đã vận hết tinh thần trải qua năm đại kiếp mới thành tựu xong. Đến nay, thế giới Cực lạc là nơi quy túc của chúng ta về sau. Sanh về đó là nấc thang thoát ly sanh tử luân hồi để cho chúng ta bước lên đường cứu kính giải thoát. Vậy xem đó, chúng ta có thể ý niệm được lòng từ bi vô hạn của đức Phật A Di Đà đối với chúng sanh là nhường nào vậy.
Phật học chia quả báo làm hai loại: quả báo hiện trong tự thân là chánh báo: quả báo hiện ngoài tự thân, như hoàn cảnh, quốc độ và tất cả sự vật chung quanh, là y báo.
Sự tôn nghiêm của y báo và chánh báo ở cõi Cực lạc đại khái đều có chép trong ba bộ kinh dạy về pháp môn Tịnh độ. Nhưng trong ba bộ kinh ấy cũng chỉ mới giải bày một cách khái quát mà thôi, và những điều của ba bộ kinh ấy trình bày chẳng qua cũng chỉ như một giọt nước so với bể cả mênh mông! Nếu nói cho rõ ràng đầy đủ, tưởng e cùng kiếp mãn đời cũng không bao giờ nói hết được.
Tuy không tài nào diễn tả được hết, nhưng đại phàm “trăm nghe không bằng một thấy”, người tu hành nếu kiên cố nhất tâm niệm Phật, trong tương lai được vãng sanh Tịnh độ rồi, khi tự thân mình đã an trú trong cảnh giới đó, tất nhiên tự mình trông thấy rõ ràng khỏi cần ai thuyết giáo nhiều lời.

link Khoá Tu Học Phật Pháp Âu Châu:
https://youtube.com/playlist?list=PLetbJBFH2GUEtRwruHcEVg7hYBn4kfElJ
Category
Video Pháp thoại
Tags
Khoá Tu Học Phật Pháp Âu Châu Kỳ 32, TT. Thích Hoằng Khai, KTHPPAC kỳ 32