Hiện nay người ta thường nói Tín Nguyện, cổ đại đức gọi là đạo tâm như hạt sương KVLT 315

55 Views
Đại Nguyện Nguyện 18 trong 48 Đại Nguyện của Phật A Di Đà : Nếu con được thành Phật, mà chúng sanh trong mười phương dốc lòng tin tưởng, muốn sanh về cõi nước con chỉ trong mười niệm, nếu không được toại nguyện, thì con chẳng trụ ở Ngôi Chánh Giác, trừ kẻ phạm năm tội nghịch và gièm chê Chánh Pháp. Nam Mô Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật Lời Khuyên Tịnh Độ (Ấn Quang Đại Sư) “ Ấn Quang từ Tây qua Ðông, từ Bắc xuống Nam, qua lại hơn vạn dặm, gặp gỡ nhiều người. Trong số đó, lắm kẻ bình nhật tự vỗ ngực là bậc thông Tông, thông Giáo, coi Tịnh Ðộ như uế vật, chỉ sợ nó làm bẩn lây đến mình. Lúc lâm chung, đa số chân loạn tay cuống, kêu cha gào mẹ. Trong số ấy, có những người trì giới niệm Phật già giặn, chắc thật, dù Tín Nguyện chưa đến mức cùng cực, tướng lành chẳng hiện, nhưng đều an nhiên mạng chung. Vì sao như vậy? Là vì tâm thuỷ trong lặng, do phân biệt nên xao động, đục ngầu, sóng thức trào dâng. Do Phật hiệu nên tâm thuỷ ngưng lặng. Bởi thế, kẻ thượng trí chẳng bằng kẻ hạ ngu, biến quá khéo thành vụng về lớn vậy!”
Published
Tại sao lại đến không được? Đó là do bạn có nghiệp chướng. Nghiệp chướng chính là bạn không muốn đi, đây chính là nghiệp chướng lớn nhất. Đối với thế giới Cực Lạc bạn chưa biết được nhiều, hiểu chưa được thấu triệt. Cho nên, không những phải đọc Kinh mà còn phải nghe Kinh. Ý nghĩa của Kinh rất sâu, rất rộng. Rất nhiều đồng tu mới học Phật không có cách nào hiểu được nghĩa của Kinh. Bạn nghe nhiều thì dần dần sẽ thông suốt, bạn sẽ thật sự sanh tín nguyện.

Hiện nay người ta thường nói tín nguyện, cổ đại đức gọi là đạo tâm như hạt sương. Hạt sương thì các bạn đã gặp rồi, buổi sáng sớm hạt sương ở trên cây cỏ, mặt trời vừa lên một chút thì hạt sương không còn nữa. Gọi là đạo tâm như hạt sương, chính là nói đạo tâm của bạn không được vững chắc, rất dễ dàng thay đổi, mất đi nhanh chóng. Đến khi nào bản thân bạn thật sự có niềm tin chân thật, có nguyện thiết tha, thì nhất định bạn thông hiểu tương đối sâu sắc Kinh điển này, pháp môn này. Bản thân bạn có thể nhận thức được trước đây thì tín nguyện không đáng tin cậy, hiện giờ tín nguyện là thật, sẽ không còn thay đổi nữa, thật sự có thể buông xuống thế duyên, Phật duyên, tất cả pháp thế, xuất thế gian, một lòng một dạ cầu sanh Tịnh Độ.

Có một số đồng tu nghiệp chướng còn rất nặng. Nghiệp chướng gì vậy? Ham thích nghe nhiều. Pháp thế gian họ đã buông bỏ rồi, họ cầu Phật pháp, mong muốn hiểu thêm thật nhiều điều trong Kinh giáo. Cổ đại đức gọi là mong muốn làm thông gia, mong muốn thông hết 84 ngàn pháp môn, không mong chỉ hiểu một môn trong 84 ngàn pháp môn. Quan niệm này quý vị thử nghĩ đúng hay không? Nếu như các bạn hỏi tôi, tôi trả lời là cũng đúng, cũng không đúng. Tại sao nói là cũng đúng? Vì nguyện này của bạn có thể không có. Tại sao nói là không đúng? Vì chắc chắn là bạn không làm được, không những bạn không thể thông mà một môn cũng không làm được. Vậy là bạn sai rồi. Làm sao để trở thành thông gia? Thông gia là từ một môn mà thâm nhập. Bạn nên hiểu rõ, phải thật sự hiểu rõ. Trong Kinh Phật thường nói: “Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”. Bạn nên hiểu ý nghĩa câu nói này của Phật. Pháp môn thật sự là bình đẳng, chính là niệm câu danh hiệu này. Danh hiệu chỉ có bốn chữ “A-di-đà Phật”. Đây là pháp môn đơn giản nhất trong tất cả các pháp môn, chính là niệm câu A-di-đà Phật này, ngoài ra thì không biết thêm điều gì cả. Khi nào bạn niệm câu A-di-đà Phật này đến nhất tâm bất loạn thì bạn đã thông rồi. Chỉ cần bạn chứng được sự nhất tâm thì bạn thông giáo lý rồi. Khi đó không phải chỉ bộ Kinh này, mà bộ Kinh nào có liên quan với bộ Kinh này bạn đều thông toàn bộ. Bạn tiếp tục niệm nữa, niệm đến lý nhất tâm bất loạn, thì tất cả pháp thế, xuất thế gian bạn đều thông. Tại sao vậy? Lý nhất tâm bất loạn là kiến tánh. Pháp thế, xuất thế gian hoàn toàn là đức dụng của tự tánh. Bạn đã kiến được tâm tánh rồi, thì đâu có đạo lý không thông các pháp mà tâm tánh đã hiện. Thế, xuất thế gian pháp không cần phải học cũng thông hết hoàn toàn. Do vậy mới biết, nếu bạn thật sự muốn làm đại thông gia… Chư Phật, Như Lai là đại thông gia, pháp thân Bồ-tát là đại thông gia, bạn đi hỏi các Ngài tu như thế nào? Đều là từ thâm nhập một môn mà tu thành công.
Category
Video Pháp thoại