Đọc sách ngàn lần vạn lần, không có gì khác, chính là đem vọng tưởng tạp niệm trong tâm bạn trừ đi..

9 Views
Đại Nguyện Nguyện 18 trong 48 Đại Nguyện của Phật A Di Đà : Nếu con được thành Phật, mà chúng sanh trong mười phương dốc lòng tin tưởng, muốn sanh về cõi nước con chỉ trong mười niệm, nếu không được toại nguyện, thì con chẳng trụ ở Ngôi Chánh Giác, trừ kẻ phạm năm tội nghịch và gièm chê Chánh Pháp. Nam Mô Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật Lời Khuyên Tịnh Độ (Ấn Quang Đại Sư) “ Ấn Quang từ Tây qua Ðông, từ Bắc xuống Nam, qua lại hơn vạn dặm, gặp gỡ nhiều người. Trong số đó, lắm kẻ bình nhật tự vỗ ngực là bậc thông Tông, thông Giáo, coi Tịnh Ðộ như uế vật, chỉ sợ nó làm bẩn lây đến mình. Lúc lâm chung, đa số chân loạn tay cuống, kêu cha gào mẹ. Trong số ấy, có những người trì giới niệm Phật già giặn, chắc thật, dù Tín Nguyện chưa đến mức cùng cực, tướng lành chẳng hiện, nhưng đều an nhiên mạng chung. Vì sao như vậy? Là vì tâm thuỷ trong lặng, do phân biệt nên xao động, đục ngầu, sóng thức trào dâng. Do Phật hiệu nên tâm thuỷ ngưng lặng. Bởi thế, kẻ thượng trí chẳng bằng kẻ hạ ngu, biến quá khéo thành vụng về lớn vậy!”
Published
Trích đoạn : TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH KHOA CHÚ 2014 (Giảng lần thứ 4)
Tập 104
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng


Thật sự khai ngộ rồi, thì giảng là giảng từ Tự-tánh, Tự-tánh hiển lộ ra, không có gì khác so với Phật hiển lộ ra. Chư Phật Như Lai từ Tự-tánh hiển lộ ra ngàn Kinh vạn Luận, Bồ-tát cũng như vậy, bao gồm cả A-la-hán cũng là từ Tự-tánh hiển lộ ra, không giống với phàm phu. Chúng ta là phàm phu, chỉ có thể giảng chú giải của người xưa, xem hiểu được thì giảng, xem không hiểu thì đọc qua được rồi, không có sai. Cố chấp không biết mà cho là biết, thì phải chịu trách nhiệm nhân quả. “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri”(Biết như vậy thì cho là vậy, không biết thì cho không biết), đây là điều hợp lý, chính xác. Gặp được Tịnh-tông là rất thuận lợi, vì Tịnh-tông tuyệt đối chính xác, quyết định không có khác biệt, là tương đồng với những gì A Di Đà Phật nói, với những gì Thích Ca Mâu Ni Phật nói, khuyên người niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh-độ, có chỗ nào là sai đâu? Nhất định không sai. Đặc biệt tất cả thừa truyền, lý niệm học tập của Đại-thừa là: nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu; phương pháp học tập là: Đọc sách ngàn lần, tự hiểu nghĩa kia. Tự hiểu, mục tiêu ở đây là tự hiểu, tự hiểu chính là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, sau kiến tánh mới đi học rộng đọc nhiều, tại sao vậy? Dùng kinh điển, dùng chú sớ của cổ Thánh tiên Hiền để ấn chứng, tôi khai ngộ rồi, ngộ này của tôi là chân ngộ, không phải ngộ giả. Nếu như tương ưng với điều nói trong kinh, tương ưng với điều nói trong chú sớ của cổ Đại đức, thì là chánh tri chánh kiến, không có sai, dùng đó để so sánh sự ngộ của chính mình với điều nói trong kinh điển. Nếu không giống nhau, những gì tôi ngộ so với kinh điển đã nói, với chú giải của cổ Đại đức giảng mà không giống nhau, vậy thì phải nên buông xuống sự ngộ của chính mình, tiếp tục cố công thực hành. Đó là thế nào? Một ngàn lần này không đủ, tôi đọc tiếp một ngàn lần, hai ngàn lần, ba ngàn lần, bốn ngàn lần, tới một vạn lần, khẳng định chỗ ngộ sẽ xuất hiện. Lúc niệm kinh, không có tạp niệm, không có vọng tưởng, tiếp tục niệm như vậy, không nên nghĩ ý nghĩa trong kinh là gì, câu này nghĩa là gì? Không nên suy nghĩ, không có ý nghĩa, tuy không có ý nghĩa mà có thể ra vô lượng nghĩa. Tới lúc bạn dùng, bạn mới có thể hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, người với các loại căn tánh khác nhau, bạn chỉ cần nói một lời, thì mọi người đều được lợi ích, cũng lý giải được.
Thế gian này không có, trong khoa học không có, trong cổ Thánh tiên Hiền có, không những ở Trung Hoa có, mà nước ngoài cũng có. Ngài Muhammad không phải là người Trung Hoa, là người Ả Rập, ngài khai ngộ rồi, ngài có thể giảng bộ Kinh Koran. Ngài không biết chữ, ngài truyền miệng, người khác ghi lại, đây là đại kinh căn bản của Hồi Giáo. Cho nên khai ngộ không nhất định là kinh Phật, tôi đọc kinh Thánh của Thiên Chúa giáo có khai ngộ được không? Được. Cho nên đọc sách ngàn lần vạn lần, không có gì khác, chính là đem vọng tưởng tạp niệm trong tâm bạn trừ đi, phục hồi lại thanh tịnh bình đẳng, thanh tịnh bình đẳng là chân-tâm, đây chính là Tam-muội, tác dụng của chân-tâm là giác, là trí huệ. Cho nên người khác không hỏi bạn, thì không có, điều gì cũng không có, Bát-nhã vô tri; khi có người hỏi bạn, tùy hỏi tùy đáp, không cần thông qua suy nghĩ, không cần đợi tôi suy nghĩ đã, không cần, đáp án tự nhiên xuất hiện, không có gì không biết. Bát-nhã vô tri, nhưng không gì mà không biết, đạo lý này nhất định phải hiểu. Nếu như chúng ta đọc kinh, mỗi câu mỗi đoạn đều cầu hiểu ý nghĩa của nó, thì cánh cửa khai ngộ liền bế tắc, những gì bạn học được chỉ là tri thức, thậm chí kinh cũng hiểu sai, đây là chuyện rất có thể. Cho nên Phật pháp là tâm pháp, phải dùng chân-tâm để cảm ứng. Vô số phương pháp, tóm lại mà nói, đều cùng một mục tiêu, là hàng phục vọng-tâm, công phu sâu thêm chút nữa, là đoạn hết vọng-tâm, thì chân-tâm hiện tiền.
Category
Hòa Thượng Tịnh Không