Chúng ta thường thân cận kẻ biếng nhác, hạng người ấy thì sự tu học của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng.

7 Views
Đại Nguyện Nguyện 18 trong 48 Đại Nguyện của Phật A Di Đà : Nếu con được thành Phật, mà chúng sanh trong mười phương dốc lòng tin tưởng, muốn sanh về cõi nước con chỉ trong mười niệm, nếu không được toại nguyện, thì con chẳng trụ ở Ngôi Chánh Giác, trừ kẻ phạm năm tội nghịch và gièm chê Chánh Pháp. Nam Mô Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật Lời Khuyên Tịnh Độ (Ấn Quang Đại Sư) “ Ấn Quang từ Tây qua Ðông, từ Bắc xuống Nam, qua lại hơn vạn dặm, gặp gỡ nhiều người. Trong số đó, lắm kẻ bình nhật tự vỗ ngực là bậc thông Tông, thông Giáo, coi Tịnh Ðộ như uế vật, chỉ sợ nó làm bẩn lây đến mình. Lúc lâm chung, đa số chân loạn tay cuống, kêu cha gào mẹ. Trong số ấy, có những người trì giới niệm Phật già giặn, chắc thật, dù Tín Nguyện chưa đến mức cùng cực, tướng lành chẳng hiện, nhưng đều an nhiên mạng chung. Vì sao như vậy? Là vì tâm thuỷ trong lặng, do phân biệt nên xao động, đục ngầu, sóng thức trào dâng. Do Phật hiệu nên tâm thuỷ ngưng lặng. Bởi thế, kẻ thượng trí chẳng bằng kẻ hạ ngu, biến quá khéo thành vụng về lớn vậy!”
Published
Chẳng nên thân cận kẻ biếng nhác. Chúng ta thường thân cận hạng người ấy thì sự tu học của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. Chúng ta là phàm phu sơ học, chẳng có định lực, thiếu trí huệ, vì thế giao du phải chọn lựa người. Có khá nhiều bạn đồng tu chẳng hề để tâm cảnh giác điều này, bị hoàn cảnh xoay chuyển, đáng tiếc vô cùng! Đấy chính là điều ta thường gọi là “nhân tình Phật sự” (làm Phật sự theo cảm tình, thiếu lý trí để phán đoán), nó có ảnh hưởng rất lớn đối với hàng phàm phu sơ học. Học Phật ắt cần phải có lý tánh (tức là xử sự theo lý trí), phải buông tình cảm xuống thì mới có thể thành tựu. Pháp thứ nhất nhắm vào ý đó. Phạm vi của chữ “giải đãi” hết sức rộng, quý vị có nhận ra hay chưa? Giải đãi, lười biếng có phải là những người hằng ngày ngủ thật nhiều hay chăng? Đối với hạng người ấy, đương nhiên quý vị chẳng thể thân cận được! Họ còn bận ngủ, họ cũng chẳng kề cận quý vị được.
Vậy thì ai mới là kẻ giải đãi? Trước đây, Ấn Quang đại sư từng giảng là kẻ nào ưa đến đạo tràng rất siêng năng, ngày ngày la cà đạo tràng, ngày ngày tìm náo nhiệt. Vì sao họ là kẻ giải đãi? Họ giải đãi đối với việc tu đạo, biếng nhác tu định. Kẻ chẳng tu định, tu huệ, cứ ngày ngày đuổi theo náo nhiệt thì gọi là “kẻ giải đãi”. Bởi thế, chớ nên hiểu lầm ý nghĩa đoạn kinh này. Quý vị đọc Văn Sao, xem Vĩnh Tư Lục sẽ thấy mỗi khi lão hòa thượng thấy đệ tử quy y đến thăm, Ngài liền quở mắng:
- Ngươi đến đây làm chi?
- Con đến gặp sư phụ.
- Trước kia ngươi gặp sư phụ rồi, còn đến đây làm chi nữa? (Ngài quát quay về). Đến chỗ bon chen, tâm cũng loạn động theo, bảo ngươi ở nhà thật thà niệm Phật, ngươi chẳng chịu niệm, ngươi vẫn muốn đến chùa miếu gặp sư phụ, có gì hay mà xem! Đó gọi là “giải đãi”.
Sở dĩ Ấn Quang đại sư nói ra điều gì, ai nấy đều rất tôn kính là vì pháp giáo hóa của Ngài chưa có ai đề xướng cả. Hiện thời, các đạo tràng mong mỏi tín đồ đông đảo, tín đồ không đến thì làm sao duy trì được đạo tràng? Bởi thế, con người hiện tại đều chuộng náo nhiệt. “Náo nhiệt” chính là giải đãi; biếng nhác tu định, tu huệ, tu tâm thanh tịnh. Ở đây, Phật dạy chúng ta chớ nên thân cận những kẻ như thế, đừng ngày ngày bắt chước họ khiến cho tâm bị loạn động. Điều thứ hai là:
Chánh kinh:
Xả ly nhất thiết hội náo chi chúng.
(Rời bỏ hết thảy các chúng ồn náo).
Không nên “ưa thích náo nhiệt” không chỉ có nghĩa là chẳng ưa thích những nơi ăn chơi vui vẻ trong thế gian mà ngay cả những chỗ hoan hỷ náo nhiệt nơi cửa Phật cũng chẳng nên ham mến. Nói chung, điều gì trái nghịch với Giới, Định, Huệ; trái nghịch với Giác, Chánh, Thanh Tịnh đều là giải đãi, ồn náo. Bởi thế, đoạn văn này dung hàm ý nghĩa rất sâu, rất rộng.
Mục đích của chúng ta là cầu giải thoát, cho nên phải hiểu rõ hai chữ “giải thoát” này. “Giải” (解) là cởi mở. Cởi mở cái gì? Cởi bỏ phiền não. “Thoát” (脱) là thoát ly lục đạo luân hồi. Mục đích của việc học Phật là đây. Nếu quý vị chẳng nghĩ đến giải thoát thì chẳng sao, cứ việc ngày ngày lăn vào nơi náo nhiệt. Còn ai là kẻ niệm Phật thật sự mong liễu sanh tử, thoát luân hồi, thật sự cầu vãng sanh Cực Lạc thế giới thì nhất định phải tuân thủ lời dạy này.
Category
Hòa Thượng Tịnh Không